Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng môn học GDQP&AN
ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔN HỌC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG – AN NINH
(Đại tá Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh)
Đảng và Nhà nước ta xác định, chiến lược phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Vì mục tiêu này, hơn 30 năm qua, Trường Đại học Hàng hải Việt nam đã phối hợp với Bộ Tham mưu Hải quân trong cử, quản lý, sử dụng đội ngũ sĩ quan biệt phái Hải quân sang thực hiện nhiệm vụ giảng dạy môn học Giáo dục Quốc phòng - An ninh (GDQP-AN) tại trường. Những năm gần đây, Trung tâm đã tích cực đổi mới toàn diện để nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN cho sinh viên của các trường được phân công giảng dạy.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong 46 trường thuộc Hiệp hội các trường Đại học Hàng hải quốc tế và là Trường đại học trọng điểm quốc gia. Trải qua 61 năm kể từ ngày thành lập (01/04/1956), Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã khẳng định là một trung tâm uy tín, chất lượng cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về lĩnh vực hàng hải, kinh tế biển, đóng tàu của cả nước, khu vực và Quốc tế. Để nâng tầm thương hiệu, xứng tầm đại học trọng điểm quốc gia đạt đẳng cấp quốc tế.
Với đặc điểm là một trường bán quân sự, có nhiều ngành nghề gần với quốc phòng - an ninh, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã trở thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành kinh tế vận tải biển và cung cấp nguồn nhân lực cho Quân chủng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư. Vì vậy, công tác GDQP - AN luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường coi trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Qua đó, tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao tri thức tổng hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng quân sự để sẵn sàng thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN nói chung và phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển nói riêng.
Với mục tiêu đó, Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được thành lập ngày 10/07/2015 theo quyết định số 2481/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trên sơ sở Khoa Giáo dục quốc phòng trực thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được thành lập tháng 05/1982 gồm các sĩ quan biệt phái thuộc Bộ Tham mưu Hải quân. Trung tâm có nhiệm vụ; Giáo dục QP-AN cho sinh viên Trường đại học hàng hải Việt Nam, sinh viên các cở sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo khác được liên kết; Tổ chức và phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ, viên chức nhà trường; Tổ chức nghiên cứu, tham ra biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu về giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; tổ chức kiểm tra đánh giá kiết quả học tập, cấp chứng chỉ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng khác và là cơ quan tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường về công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường và Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tham mưu Hải quân luôn chú trọng công tác tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh. 100% các giảng viên được đào tạo cơ bản trong các nhà trường, học viện quân đội và được tham gia tập huấn hàng năm về nội dung, chương trình giáo dục QP-AN do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức. Các giảng viên của Trung tâm đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm vững vàng, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy và quản lý sinh viên.
Cũng với sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Bộ Tham mưu Hải quân, Bộ chỉ huy quân sự TP Hải Phòng, Trung tâm Giáo dục QP - AN được trang bị, cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị vũ khí để bảo đảm công tác giảng dạy.
Hàng năm, Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh luôn tích cực chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giảng dạy môn học Giáo dục QP-AN cho các ngành, bậc học hợp lý, khoa học. Trung tâm luôn chú trọng theo dõi, quản lý tổ chức triển khai việc truyền tải các kiến thức, kỹ năng quân sự đến toàn bộ sinh viên là cơ sở để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.
Từ năm học 2013-2014, thực hiện đổi mới theo chương trình chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh bắt đầu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện môn học Giáo dục QP - AN. Trong đó, Trung tâm xác định cần đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ, giảng viên; công tác quản lý và chương trình giáo dục đào tạo.
Theo đó, cán bộ, giảng viên của trung tâm nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế của Trường, xác định Trường là nơi cung cấp dịch vụ đào tạo chất lượng cao, phải thỏa mãn mọi nhu cầu của người sử dụng dịch vụ, cụ thể là sinh viên. Trong công tác quản lý, Trung tâm áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 với ưu điểm dễ lấy, dễ thấy, dễ tìm. Thực hiện đổi mới chương trình, Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên cùng với 2 khoa chuyên môn của Trung tâm là Đường lối quân sự của Đảng và kỹ thuật, chiến thuật với tất cả 25 chuyên đề, Trung tâm đưa thêm 4 chuyên đề vào giảng dạy, trong đó có chuyên đề về chủ quyền biển đảo Việt Nam; chuyên đề tìm hiểu về vũ khí của lực lượng Hải quân; tìm hiểu về tổ chức Hải quân nhân dân Việt Nam; đồng thời, sinh viên được tìm hiểu, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng Hải quân. Trong chuyên đề về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, tài liệu “Một số vấn đề về chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Trung tâm đặt ra tiêu chí, đối với giảng viên phải giỏi 1 học phần, khá 2 học phần và biết tất cả các học phần; đối với chuyên viên phải thành thạo công việc, có tính chuyên nghiệp cao. Đặc biệt, phương pháp giảng dạy được đổi mới cơ bản, từ phương pháp dạy học truyền thống chuyển sang phương pháp dạy học tích cực, lấy người học là trung tâm trong giảng dạy. Các giảng viên của Trung tâm tích cực áp dụng thiết bị công nghệ vào bài giảng, giáo án điện tử, nêu vấn đề gợi mở để sinh viên trao đổi; có phòng chuyên dùng và sân huấn luyện thực hành. Hình thức kiểm tra, thi, đánh giá kết quả cũng thay đổi. Kết thúc mỗi học phần, Trung tâm áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan, sau 1 tuần thi là có điểm, sau 2 tuần điểm thi sẽ được công khai trên trang mạng của Trường, sau 3 tuần hoàn thiện hồ sơ cấp chứng chỉ, sau 4 tuần thực hiện cấp chứng chỉ cho sinh viên.
Với sự đổi mới đó, Trung tâm có thể đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập và nhận thức của sinh viên. Trong năm học 2016-2017, Trung tâm đã giảng dạy cho 102 nhóm với trên 8.000 lượt sinh viên với kết quả 90,7% đạt yêu cầu trở lên, trong đó có 68,6% khá, giỏi.
Có thể thấy, Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh thực hiện đổi mới toàn diện với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, trang bị kiến thức cơ bản về đường lối quân sự, công tác QP-AN của Đảng và Nhà nước; những kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết cho sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, củng cố LLVTND, thực hiện nghĩa vụ quân sự, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thành tích của Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh đã được Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Bộ Tham mưu Hải quân đánh giá cao. Nhiều năm liên tục, Trung tâm được bình bầu là Tập thể lao động xuất sắc; Chi bộ Trung tâm đạt TSVM. Nhiều cán bộ, giảng viên của Trung tâm bình bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được đề nghị cấp trên biểu dương khen thưởng. Năm học 2015 - 2016 tập thể Trung tâm và cá nhân đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Bình được Bộ trưởng Bộ GTVT tặng Bằng khen.
Nhìn vào kết quả đó, ít ai biết, để bảo đảm chất lượng giảng dạy với yêu cầu ngày càng cao, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục QP-AN đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua các khó khăn, bất cập. Do qui mô đào tạo của các Trường Đại học, cao đẳng liên kết ngày càng mở rộng, số lượng sinh viên đông, nhận thức của sinh viên trong nhóm khác nhau nên công tác quản lý lớp học và áp dụng phương pháp dạy học tích cực gặp không ít khó khăn. Trung tâm chưa có hệ thống thao trường chuyên dùng, khu học tập riêng cho nội dung thực hành nên phần nào đã ảnh hưởng đến kết quả công tác huấn luyện cho sinh viên.
Để chất lượng công tác giáo dục QP-AN cho sinh viên đạt kết quả cao, trong những năm tiếp theo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và Trung tâm xác định:
Một là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới. Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Giáo dục QP-AN, Nghị quyết Trung ương số 28-NQ/TW (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về vị trí, vai trò của công tác giáo dục QP-AN trong giai đoạn hiện nay.
Hai là: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thao trường bãi tập đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học GDQP-AN.
Ba là: Triển khai sớm đề án xây dựng Trung tâm Giáo dục QP-AN tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam theo Quyết định số 161/QĐ-Ttg ngày 30/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch hệ thống Trung tâm Giáo dục QP-AN giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 2481/QĐ-BGTVT ngày 10/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và an ninh (gọi tắt là Trung tâm GDQP) trực thuộc Trường Đại học Đại học Hàng hải VN. bảo đảm sớm đưa sinh viên vào học tập, rèn luyện tập trung tại Trung tâm Giáo dục QP-AN.
Bốn là: Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với công tác giáo dục QP-AN. Đội ngũ giảng viên của Trung tâm mặc dù đã được đào tạo cơ bản trong các nhà trường, học viện quân đội, có trình độ chuyên môn vững vàng; nhưng Trung tâm vẫn tích cực chăm lo công tác bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng cao 100% có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ tin học văn phòng, phương pháp biên soạn giáo án điện tử để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay.
Năm là: Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp dạy học bộ môn Giáo dục QP-AN. Bởi nhận thức chung của các sinh viên thường cho rằng môn học giáo dục QP-AN khô khan nên chưa thực sự đam mê hứng thú trong học tập. Do vậy, trong từng bài giảng, mỗi tiết học cần phải linh hoạt về phương pháp dạy học, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa phương pháp truyền thống với phương pháp tiên tiến, thường xuyên cập nhật thông tin và ứng dụng CNTT vào giảng dạy, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng môn học Giáo dục QP-AN, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.