Sỹ quan dự bị

CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, TUYỂN CHỌN NAM SINH VIÊN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC ĐI ĐÀO TẠO SĨ QUAN DỰ BỊ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, TUYỂN CHỌN NAM SINH VIÊN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC ĐI ĐÀO TẠO SĨ QUAN DỰ BỊ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

Đại tá Lê Xuân Hạnh

Phó Giám đốc Trung tâm GDQPAN, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

 

Sĩ quan dự bị giữ vị trí, vai trò quan trọng của quân nhân dự bị, bổ sung quân số cho lực lượng thường trực của quân đội. Đào tạo đội ngũ sĩ quan dự bị là nhiệm vụ thường xuyên, đáp ứng yêu cầu tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên trong tình hình mới vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài, góp phần “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng tiến lên hiện đại, tạo tiền đề đến năm 2030, xây dựng Quân đội nhân nhân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Công tác tuyên truyền, tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Ban Chỉ huy quân sự Nhà trường, trực tiếp là Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, đã tích cực trong tham mưu, tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị. Từ năm 2020 đến nay, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tuyển chọn và điều động 100 đồng chí nam sinh viên tốt nghiệp đại học tình nguyện tham gia đi đào tạo sĩ quan dự bị, trong đó có 46/100 đồng chí là Đảng viên. Hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng chính trị cao, 100% sinh viên đi đào tạo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và được phong quân hàm thiếu úy (sĩ quan dự bị). Có được kết quả như trên là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Bộ CHQS thành phố Hải Phòng, Ban CHQS quận Lê Chân, trực tiếp, thường xuyên là lãnh đạo Vụ GDQP&AN/Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự chủ động trong tổ chức, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bảo đảm chặt chẽ, kịp thời của Nhà trường, cụ thể như sau:

Khi có kế hoạch, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo Ban CHQS Nhà trường phối hợp với Trung tâm, phòng công tác sinh viên, đoàn thanh niên, các khoa, viện có sinh viên trong Trường tổ chức quán triệt, triển khai nhiệm vụ, thành lập Hội đồng tuyển chọn, xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho các Khoa, viện có sinh viên phù hợp với chuyên ngành quân đội cần; theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ.

Quá trình tuyển chọn trình tự, tiến trình, kế hoạch đã triển khai; công tác sơ tuyển sinh viên năm cuối ở các khoa, viện chuyên môn được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, dân chủ, công khai từ khâu tổ chức đăng ký, lập danh sách, tổ chức sơ tuyển. Công tác tổ chức hiệp đồng trong tuyển chọn giữa các cơ quan đơn vị được thực hiện khoa học, chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ, đặc biệt là hiệp động giữa Nhà trường với các cơ quan đơn vị ngoài nhà trường. Sinh viên được tuyển chọn đều có đủ tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe theo đúng quy định; kết quả tốt nghiệp đạt loại khá trở lên, phù hợp với yêu cầu xây dựng của quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới. Khi có quyết định gọi nam sinh viên đi đào tạo sĩ quan dự bị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Nhà trường tổ chức gặp gỡ giao nhiệm vụ, động viên và trao quyết định đến từng sinh viên bảo đảm trang trọng và đầm ấm. Tổ chức đưa sinh viên đi bàn giao tại trường quân sự, nắm bắt tình hình, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, động viên kịp thời các em sinh viên trong quá trình đào tạo tại trường quân sự. Khi hoàn thành khóa đào tạo, tổ chức đón, gặp mặt và khen thưởng, tổ chức đánh giá kết quả, rút kinh nghiệp kịp thời; thực hiện tốt chính sách của đảng và Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên lập thân, lập nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyển chọn vẫn còn một số hạn chế như: Hồ sơ giấy tờ của một số nam sinh viên vẫn còn có nhiều sai sót, tỷ lệ sinh viên đăng ký đi đào tạo một số ngành còn ít (Đóng tàu, Kinh tế  ) nên chất lượng có hạn chế nhất định.

Nguyên nhân của những hạn chế: Là một ngôi trường đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Kinh tế Biển nên sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được doanh nghiệp tuyển chọn, khi còn đang học và ngay sau khi tốt nghiệp với mức thun nhập hấp dẫn, dẫn đến trong công tác tuyển chọn gặp những khó khăn; công tác giáo dục.

Để khắc phục những hạn chế và làm tốt công tác tuyên truyền và tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị đạt kết qủa cao. trong thời gian tới Nhà trường cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Phát huy vai trò người đứng đầu đối với công tác tuyên truyền và tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đi đào tạo sĩ quan dự bị, bảo đảm lãnh đạo tập trung, xuyên suốt trong cả quá trình trước, trong, sau tuyển chọn. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật lực lượng dự bị động viên, các văn bản pháp luật liên quan; quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao chỉ tiêu tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị.

Hai là, Chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho sinh viên nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi khi được đào tạo sĩ quan dự bị; tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên nắm chắc các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên nhận thức đầy đủ việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật lực lượng dự bị động viên; thấy được xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là vinh dự, tự hào đồng thời là trách nhiệm của tuổi trẻ, của mọi công dân.

 Nội dung tuyên tuyền, giáo dục được lồng ghép trong các môn học xã hội nhân văn, pháp luật đặc biệt là môn học GDQPAN, trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cuộc thi tìm hiểu về lực lượng vũ trang, về biển, đảo quê hương, kết hợp tổ chức giao lưu. Qua đó giúp sinh viên nâng cao nhận thức đúng đắn đối về bảo vệ Tổ quốc, làm cơ sở, tiền đề thực hiện mục tiêu, là lý tưởng cách mạng thiêng liêng, cao cả mà các thế hệ ông cha đi trước đã dầy công vun đắp; là điều kiện để mỗi sinh viên, thanh niên tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ bản lĩnh và sức trẻ của mình cho công cuộc xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ba là, Tăng cường chất lượng công tác hướng nghiệp cho sinh viên, Nhà trường chủ động phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện các chương trình hướng nghiệp, tuyển chọn việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp,.. thực hiện cam kết bảo lưu kết quả tuyển chọn, giữ chỗ việc làm cho nam sinh viên sau khi học tốt nghiệp đào tạo sỹ quan dự bị. Nhà trường chỉ đạo chặt chẽ cho các cơ quan chức năng đặc biệt là Khoa, Viện có nam sinh viên đào tạo sỹ quan dự bị cần có cơ chế chặt chẽ, cụ thể, mimh bạch, ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho cho nam sinh viên sau khi tốt nghiệp đi đào tạo SQDB. Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Nhà trường, các cơ quan chức năng, Khoa, Viện với các công ty, doanh nghiệp...dẻ có chính sách tốt nhất đối với những sinh viên sau khi tốt nghiệp được tuyển chọn đi học sỹ quan dự bị.

Bốn là, Chủ trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ ngũ cán bộ làm công tác tuyển chọn và tuyên truyền, bằng nhiều hình thức thông qua bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, có kiến thức về công tác tuyên truyền, quy trình tuyển chọn; nắm chắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, các văn bản liên quan về xây dựng lực lượng dự bị động viên, về sĩ quan dự bị trong quân đội nhân dân Việt Nam làm cơ sở thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao về tuyên truyền và tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đi đào tạo sỹ quan dự bị, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền và tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị vị trí, vai trò quan trọng, trong những năm vừa qua Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã hoàn thành tốt kế hoạch tuyển chọn đề ra. Có được kết quả như trên đó là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, sự vào cuộc quyết liệt của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường, là sự đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị toàn trường trong công tác tuyên truyền, tuyển chọn, là ý thức, tinh thần trách nhiệm của sinh viên đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bên cạch đó là sự cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đoàn thể địa phương, cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam. Công tác tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đi đào tạo sĩ quan dự bị của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam những năm qua góp phần xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

 

Tuyển chọn nam sinh viên đi đào tạo Sỹ quan dự bị

HIỂU BIẾT CỦA SINH VIÊN VỀ SĨ QUAN DỰ BỊ
Sĩ quan dự bị  
1. Sĩ quan dự bị là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam phục vụ ở ngạch dự bị, gồm sĩ quan dự bị hạng 1, sĩ quan dự bị hạng 2 theo hạn tuổi quy đinh tại khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 12 năm 1999 (sau đây gọi là luật Sĩ quan năm 1999).
2. Sĩ quan dự bị được đăng ký, quản lý, huấn luyện, sắp xếp trong đơn vi dự bi động viên, sẵn sàng huy động vào phục vụ tại ngũ, tăng cường cho lực lượng thường trực khi có nhu cầu.
Đối tượng có thể trở thành sĩ quan dự bị (Điều 5. Nghị định số 26/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21 tháng 3 năm 2002 về sĩ quan dự bị quân đội nhân dân Việt Nam)
1. Những đối tượng sau đây thuộc diện tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị:
a) Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan khi thôi phục vụ tại ngũ và hạ sĩ quan dự bị hạng 1;
b) Cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên.
2. Những người thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này, có đủ tiêu chuẩn về chính trí phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khỏe và tuổi đời thì có thể được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị. Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với từng đối tượng được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
TUYỂN CHỌN SINH VIÊN ĐI ĐÀO TẠO SĨ QUAN DỰ BỊ
I. TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN
Nam sinh viên có đủ điều kiện về chính trị, sức khỏe, tuổi đời không quá 30, tốt nghiệp đại học và không thuộc diện tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, cụ thể:
1. Về chính trị, đạo đức
- Có lai lịch chính trị rõ ràng, đủ tiêu chuẩn chính trị để bồi dưỡng phát triển thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam;
- Bản thân có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, có phẩm chất đạo đức tốt, là Đảng viên hoặc Đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
2. Về thể lực
Sức khỏe từ loại 1 đến loại 3 theo quy định tại thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế - Bộ Quốc Phòng về việc qui định khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
3. Về trình độ chuyên môn
Tốt nghiệp Đại học (ưu tiên những sinh viên có kết quả tốt nghiệp loại Khá trở lên), phù hợp với yêu cầu của Quân đội.
TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC TẠM HOÃN GỌI NHẬP NGŨ TRONG THỜI BÌNH
Điều 41. Của luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 (Luật số: 78/2015/QH13):
1. Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
a) Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;
b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận;
c) Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
d) Có anh, chị, em ruột là một hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;
đ) Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định;
e) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
2. Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
a) Con của liệt sĩ, con củ thương binh hạng một;
b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;
c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
d) Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;
đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
e) Công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.
Chú ý:
- Trong trường hợp sinh viên thuộc diện được miễn hoặc tạm hoãn nêu trên nhưng nếu tình nguyện thì vẫn có thể xét tuyển đi đào tạo sĩ quan dự bị;
- Sinh viên tình nguyện hoặc đối tượng thuộc diện được tạm hoãn (miễn) thực hiện SQDB phải làm đơn, hoàn thiện các giấy tờ xác minh cần thiết;
- Mọi sinh viên không thuộc diện được tạm hoãn (miễn) gọi nhập ngũ trong thời bình đều phải thực hiện tốt công tác tuyển chọn SQDB của Nhà trường.
II. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI
1. Nghĩa vụ
- Sinh viên phải chấp hành nghiêm công tác SQDB của Nhà trường và lệnh gọi đi đào tạo SQDB của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Trường hợp sinh viên không thực hiện công tác SQDB khi được giao nhiệm vụ hoặc lệnh gọi đi đào tạo SQDB, Nhà trường sẽ xử lý kỷ luật:
+ Không cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp và tạm giữ Bằng tốt nghiệp, hồ sơ sinh viên đồng thời xét các hình thức kỷ luật;
+ Báo cáo Bộ Quốc Phòng, Bộ Giáo dục & Đào tạo và phối hợp cùng cơ quan quân sự, chính quyền địa phương nơi sinh viên cư trú xử lý theo luật định: buộc phải thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, trường hợp cố tình không chấp hành sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Quyền lợi
2.1. Trong thời gian đào tạo SQDB
- Được hưởng chế độ ăn hàng ngày như đối với học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội kể từ ngày có mặt tại cơ sở đào tạo cho đến khi kết thúc khoá đào tạo, làm xong các thủ tục;
- Được mượn, cấp quân trang và một số đồ dùng sinh hoạt theo quy định của Bộ Quốc phòng;
- Hàng tháng được hưởng phụ cấp bằng mức phụ cấp quân hàm trong hai năm đầu của cấp thượng sĩ với hệ số 0,7 (phụ cấp = 0,7 x lương tối thiểu);
- Được tham gia thi tuyển công chức khi có giấy báo dự thi và bảo lưu kết quả, được ưu tiên cộng thêm 01 điểm vào kết quả thi;
- Được nghỉ 7 ngày phép để thực hiện tuyển dụng lao động, tìm việc làm;
- Được thanh toán tiền đi đường từ nơi thường trú hoặc nơi công tác đến cơ sở đào tạo sĩ quan dự bị và từ cơ sở đào tạo sĩ quan dự bị về nơi thường trú hoặc nơi công tác.
2.2. Sau khi tốt nghiệp SQDB
- Sinh viên tốt nghiệp đào tạo SQDB được phong quân hàm SQDB, được cấp thẻ SQDB và đăng ký vào ngạch dự bị động viên và được hưởng thêm 01 tháng lương theo cấp bậc quân hàm sĩ quan (cấp Thiếu úy(4,2 x lương tối thiểu), không trừ tiền ăn, phụ cấp quân hàm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng đó);
- Được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình khi chưa có lệnh động viên;
- Hàng tháng được nhận phụ cấp sĩ quan dự bị;
- Sinh viên có nguyện vọng tình nguyện vào phục vụ quân đội thì viết đơn tình nguyện gửi Bộ Quốc phòng, nếu đủ điều kiện và Bộ Quốc phòng có nhu cầu sẽ được điều động vào phục vụ trong quân đội 2 năm, hết thời hạn 2 năm nếu sinh viên tiếp tục có nguyện vọng ở lại phục vụ trong quân đội, xét đủ điều kiện tiêu chuẩn và nếu quân đội có nhu cầu thì được quyết định chuyển sang sĩ quan thường trực hoặc quân nhân chuyên nghiệp theo diện bố trí cán bộ để phục vụ quân đội lâu dài.
III. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN
1. Kiểm tra sức khỏe (lấy kết quả khám sức khỏe ra trường)
2. Tự khai lý lịch (theo Mẫu 5b1) Tải tại đây
3. Đi xác minh lý lịch
4. Hoàn thiện hồ sơ
- Bản thẩm tra xác minh lý lịch (có đóng dấu của Đảng ủy địa phương)
- Bản sao giấy khai sinh
- Giấy khám sức khỏe
- Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (bản sao bằng tốt nghiệp)
- Bảng điểm
- Sổ đoàn (đảng)
- Đơn tình nguyện đào tạo sĩ quan dự bị (sinh viên tình tuyện) Mẫu tải tại đây
- Giấy tiếp nhận cán bộ khi tốt nghiệp SQDB đối với sinh viên tình nguyện (nếu có nơi tiếp nhận)
5. Chờ lệnh gọi sẵn sàng nhập ngũ
6. Lên đường đi đào tạo SQDB.
 

Tệp đính kèm: