TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH CHO HỌC SINH, SINH VIÊN HIỆN NAY
Học viện An ninh nhân dân - Bộ Công an
Việt Nam là đất nước đa tôn giáo và có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Lịch sử đã cho thấy sự tác động tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, tín ngưỡng, tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định xã hội, đe dọa an ninh quốc gia, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì thế, trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung và chương trình giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên hiện nay nói riêng, vấn đề đấu tranh phòng chống các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam luôn được quan tâm, đề cập. Trong đó, nhận thức, đánh giá đúng về thực trạng tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo.
Ở Việt Nam, mỗi dân tộc đều lưu giữ những hình thức tín ngưỡng, tôn giáo riêng của mình. Người Việt có các hình thức tín ngưỡng dân gian như thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ thành hoàng, thờ những người có công với cộng đồng, dân tộc, thờ thần, thờ thánh, nhất là tục thờ Mẫu của cư dân nông nghiệp lúa nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số với hình thức tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy, như Tô Tem giáo, Bái vật giáo, Sa man giáo,... Trải qua thời gian, các tôn giáo lớn trên thế giới lần lượt xuất hiện ở Việt Nam. Ban đầu là Phật giáo (được cho là đến Việt Nam vào cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III sau công nguyên), tiếp đến là Công giáo (giữa thế kỷ thứ XVI), Hồi giáo (cuối thế kỷ XIX) và muộn hơn cả là đạo Tin Lành (vào Việt Nam năm 1911). Đến tháng 5/2024, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, ở Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau; với hơn 27 triệu tín đồ (chiếm trên 27% dân số cả nước); trên 54 ngàn chức sắc; 135 ngàn chức việc và gần 29,8 ngàn cơ sở tôn giáo. Ngoài 43 tổ chức tôn giáo trên, ở Việt Nam còn có một số nhóm tôn giáo địa phương, hoặc mới được thành lập có liên quan đến Phật giáo hoặc mới du nhập ở bên ngoài vào (chủ yếu là các tổ chức Tin Lành).
Sự đa dạng của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam còn được phản ánh trên các phương diện cụ thể, như: quy mô, nguồn gốc hình thành, tín đồ, hoạt động... Chính vì vậy, nếu không có một chính sách điều tiết tốt, sự khác biệt của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau ở Việt Nam sẽ rất dễ có nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột như những gì đã và đang xảy ra ở một số nước có đặc điểm tôn giáo tương đồng với nước ta.
Nhận thức rõ vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhất quán chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngay từ ngày mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL khẳng định: “việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”.
Kế thừa, phát triển quan điểm chỉ đạo của Người, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện quan điểm, chính sách, pháp luật để nhân dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình trên cơ sở pháp luật. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng đã được ban hành góp phần giải quyết các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng niềm tin của đồng bào tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Trong giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước ta chủ trương “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo,... tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo; động viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[1]. Đồng thời, khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Trên cơ sở đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã ra đời năm 2016. Đây là sự cụ thể hoá những quan điểm mang tính đột phá lần thứ ba về tư duy về tôn giáo.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2021) tiếp tục xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới đó là tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII nêu rõ: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “sống tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo và hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá đảng, nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”[2]. Văn kiện Đại hội xác định tôn giáo là nguồn lực xã hội và nhấn mạnh cần “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”; “nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”. Đây chính là sự khẳng định lại những điểm đột phá trong pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng năm 2016.
Quan điểm, chính sách tôn giáo đúng đắn, cởi mở của Đảng đã làm cho tuyệt đại đồng bào có đạo và đa số chức sắc tôn giáo không chỉ đồng tình, ủng hộ mà còn phấn khởi, hăng hái, tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; tự giác chấp hành nghiêm các qui định của pháp luật, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường sức mạnh quốc phòng- an ninh, góp phần cùng toàn dân giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Mặc dù sự hình thành, phạm vi ảnh hưởng và tác động chính trị - xã hội của các tín ngưỡng, tôn giáo không giống nhau, nhưng tựu chung đều đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các tín ngưỡng, tôn giáo luôn quan tâm đến hòa bình, hòa hợp, lên án những bất công, những điều xấu nên giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo luôn góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Cộng đồng tôn giáo là những tổ chức có tính tự quản cao, có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, góp phần bài trừ một số tập tục lạc hậu, hạn chế thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật.
Các tôn giáo đều xây dựng đường hướng hành đạo riêng, phù hợp với đạo lý của mình, như: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo, “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin Lành, “Nước vinh, đạo sáng” của Cao Đài, v.v. Những đường hướng này vừa phù hợp với giáo lý, truyền thống dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Những năm qua, các tôn giáo đã cùng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Các tín ngưỡng, tôn giáo đã thể hiện giá trị đạo đức, văn hóa trong triết lý, giáo lý của mình trong thực tiễn bằng việc thực hiện tốt các phong trào do các bộ, ngành và các địa phương phát động, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, “Xây dựng chùa cảnh tinh tấn, gương mẫu”, “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, hay các phong trào phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới trong việc hiếu, hỉ và lễ hội; xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư... Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở nhiều địa phương, như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cà Mau,... đồng bào tôn giáo đã tự nguyện đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, nguyên vật liệu làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao,... góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp. Các hoạt động từ thiện xã hội được đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực thực hiện dưới nhiều hình thức, như hỗ trợ vốn sản xuất, mở trường, lớp tình thương, xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội, cấp học bổng, khám chữa bệnh, hỗ trợ thiên tai, hiến máu, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn; cứu trợ an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Chức sắc, chức việc các tôn giáo ở Việt Nam rất đông đảo, là đội ngũ trí thức, có ảnh hưởng và hiểu biết sâu rộng trên các lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội, như giáo dục, văn hóa, y tế và ngoại ngữ... Đây là lực lượng có đóng góp đáng kể trong việc phát triển văn hóa - xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa cơ sở, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong sinh hoạt tôn giáo, các chức sắc đã khuyên bảo tín đồ chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tham gia hiệu quả và có trách nhiệm trong các hoạt động kinh tế - xã hội - văn hóa, sống "tốt đời, đẹp đạo".
Tình hình thế giới trong những năm gần đây tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, tác động trực tiếp đến sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Về cơ bản, những vấn đề chủ yếu tác động đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam gồm: (1) hòa bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng và là đòi hỏi bức thiết, là xu hướng chung của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới; (2), cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế phát triển mạnh mẽ, ngày càng gắn chặt với nhau tạo thành một hợp lực, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất toàn cầu; tác động đến mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia, dân tộc; (3), các nước lớn tiếp tục giữ vai trò chi phối cục diện thế giới, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiềm chế và ngăn chặn lẫn nhau; (4), tình hình khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, khó lường.
Trong bối cảnh đó, vấn đề quốc phòng và an ninh của Việt Nam phải đương đầu với những khó khăn, thách thức liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể là:
Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá đất nước. Trong chiến lược "diễn biến hòa bình" chống Việt Nam, các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước luôn chú ý lợi dụng vấn đề tôn giáo, coi đây là một trong những mũi tiến công chủ đạo nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Chúng coi tôn giáo là cái “cớ” để khai thác, nhằm xuyên tạc để chống phá Đảng, chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại đoàn kết tôn giáo, gây chia rẽ, kích động hận thù hoặc tạo tâm lý hoang mang, lo lắng, gây tư tưởng chia rẽ, bạo loạn,... Một sự việc rất nhỏ, một mâu thuẫn bình thường trong lĩnh vực tôn giáo có thể bị thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc trở nên nghiêm trọng; một vụ việc tôn giáo xảy ra tại một khu vực, một địa phương cũng rất dễ bị khuếch đại thành vấn đề quốc tế; một sự kiện vốn chỉ là hiện tượng, nhưng có thể bị xuyên tạc trở thành bản chất; một vấn đề mang tính bộ phận, nhưng lại dễ biến thành toàn thể; một câu chuyện vốn rất bình thường, nhưng có thể bị biến thành phức tạp, xuyên tạc thành mang ý nghĩa chính trị.
Trong nhiều năm qua, những nhận định sai trái, xuyên tạc với thái độ thù địch và động cơ chính trị xấu vẫn thường xuyên xuất hiện, cho dù tình hình tôn giáo ở Việt Nam tốt đẹp, quyền tự do tôn giáo ngày càng được bảo đảm tốt hơn thì những luận điệu kiểu ấy vẫn phát tán và hoàn toàn không ăn nhập gì với thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Kỳ thực, các quan điểm sai trái, thù địch, kích động mâu thuẫn, xung đột,... đều đã được lập trình với rất nhiều phương án, kịch bản khác nhau để hướng đến mục đích cuối cùng là thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, là gây “cách mạng không tiếng súng”, nhằm công kích, chuyển hóa chế độ. Chiến thuật, chiến lược này không mới, nhưng nó nguy hiểm ở chỗ luôn âm thầm, rình rập, chờ thời cơ, kiểu “nước nhỏ lu đầy”, “mưa dầm thấm lâu”,...
Những năm gần đây, nhiều hiện tượng mê tín dị đoan cũng như hoạt động truyền đạo trái pháp luật có xu hướng gia tăng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới. Điều đáng lo ngại là một số tôn giáo lạ, tà đạo, tạp giáo đã nhen nhóm phát triển nhanh như tà đạo "Vàng Chứ" trong dân tộc Mông, tà đạo "Thìn Hùng" trong dân tộc Dao ở Tây Bắc, tà đạo "Tin lành Đề-ga" ở Tây Nguyên và một số giáo phái khác ở Tây Nam Bộ... Sự xuất hiện của những tà đạo đội lốt tôn giáo cũng là vấn đề đáng lo ngại, tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Như vậy, trước những vấn đề phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; hoạt động lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc thì việc gắn kết chặt chẽ giữa tín ngưỡng, tôn giáo với quốc phòng, an ninh là một tất yếu và là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trên thực tế, sự gắn kết này đã được thực hiện, đồng bào các tín ngưỡng, tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các tổ chức tôn giáo tích cực tuyên truyền, giáo dục tín đồ yêu nước, chấp hành pháp luật; nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo hợp pháp, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Tuy nhiên, khi tôn giáo bị lợi dụng, kích động, nguy cơ tác động đến xã hội và con người cũng không nhỏ, nhất là đối với lĩnh vực an ninh, quốc phòng của đất nước. Vì vậy, việc nhận diện và đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo chống Đảng, Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, từ góc độ quốc phòng, an ninh và từ những bài học trong thực tế, cần có những giải pháp thiết thực để phát huy sự gắn kết giữa tín ngưỡng, tôn giáo với quốc phòng, an ninh và hạn chế, loại bỏ những yếu tố tác động xấu đến sự gắn kết này; trong đó, giải pháp trước hết là từ công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, quần chúng nhân dân trên cả nước.
Đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cần chú ý làm tốt những vấn đề sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vấn đề gắn kết tín ngưỡng, tôn giáo với quốc phòng và an ninh ở Việt Nam hiện nay. Trang bị cho học sinh, sinh viên những nhận thức đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo, nhận diện được các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ góp phần đảm bảo an ninh tôn giáo. Đây được coi là giải pháp quan trọng, có tính quyết định hàng đầu trong tình hình hiện nay. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này cần phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên tại các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân; phát huy vai trò của đội ngũ truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí, vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tôn giáo Chính phủ, vai trò của lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho học sinh, sinh viên hiểu rõ về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên trong toàn quốc hiểu rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tự do, tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh, sinh viên góp phần đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm pháp luật; thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Hai là, trong Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học trong đó quy định chuyên đề: “Một số nội dung cơ bản về dân tộc, tôn giáo, đấu tranh phòng chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam” có dung lượng là 06 tiết, trong đó bao gồm 04 tiết lý thuyết, 02 tiết thảo luận. Trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét mở rộng phạm vi, tăng dung lượng chương trình lên cho phù hợp. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, có được những kỹ năng, kiến thức cơ bản để nhận diện, tham gia đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam.
Ba là, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy các chuyên đề, môn học có liên quan đến công tác giáo dục quốc phòng, an ninh nói chung và liên quan trực tiếp đến chuyên đề: “Một số nội dung cơ bản về dân tộc, tôn giáo, đấu tranh phòng chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam". Việc xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được quán triệt là một yêu cầu cấp thiết trong Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI. Tạo khâu đột phá trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, huấn luyện, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, gắn với hoạt động quản lý, rèn luyện sinh viên trong môi trường quân sự. Đặc điểm của giáo dục quốc phòng an ninh là kết hợp lý thuyết với thực hành, tăng thời gian nghiên cứu, tự học, tham quan, thực tế cho học sinh, sinh viên. Đây là môn học đặc thù nên có lý thuyết và có thực hành, vừa giáo dục chính trị tư tưởng, vừa rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý chí, tinh thần kỷ luật và huấn luyện kỹ thuật quân sự. Vì vậy, học sinh, sinh viên sau khi được trang bị kiến thức phải biết vận dụng vào thực tế. Việc dạy học theo định hướng phát triển toàn diện năng lực thực hiện không chỉ chú ý đến việc tích cực hoá người học về mặt trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện cho họ những năng lực giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn, những tình huống nghề nghiệp. Giảm bớt thời gian dạy lý thuyết; tăng thời gian nghiên cứu, tự học, tham quan, thực tế những địa bàn liên quan trực tiếp đến chuyên đề học tập cho học sinh, sinh viên; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng tư duy độc lập: đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy các môn giáo dục quốc phòng và an ninh.
Bốn là, tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên quốc phòng và an ninh bảo đảm số lượng, chất lượng, đạt chuẩn hóa. Đây là giải pháp giữ vai trò quan trọng, xuyên suốt để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh nói chung và giáo dục các chuyên đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho học sinh, sinh viên nói riêng. Trong đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về nhiệm vụ giáo dục đào tạo nói chung và nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh nói riêng, nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận số 51-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 12 - CT/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Kiện toàn đội ngũ giáo viên thực hiện giáo dục quốc phòng, an ninh, theo lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo; Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh năm 2013; Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật GDQPAN; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 19/11/2018; Nghị định số 139/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng, an ninh; các thông tư, văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh. Chủ động xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, được tuyển chọn, kiểm soát chất lượng đầu vào và được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên. Cùng với đó, chủ động xây dựng cơ chế, đãi ngộ phù hợp để đội ngũ cán bộ, giảng viên yên tâm, gắn bó với công việc, tiếp tục triển khai đề án Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; hằng năm cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó tập huấn cho số cán bộ, giảng viên còn lại. Chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ các nhà khoa học, quản lý giỏi trong lực lượng Công an nhân dân nói chung, trong các học viện, trường Công an nhân dân nói riêng trong giảng dạy các chuyên đề về khối kiến thức an ninh của chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh.
Năm là, phát huy vai trò của Hội đồng Quốc phòng an ninh, vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là Vụ Giáo dục quốc phòng và An ninh trong công tác tham mưu định hướng, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Thông tư, chương trình về nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Chú trọng xây dựng các văn bản chỉ đạo và có giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học về nội dung bảo đảm quốc phòng và an ninh nói chung và bảo đảm an ninh trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, đấu tranh phòng chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam nói riêng. Trong đó quan tâm chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trên cả nước đảm bảo hoạt động chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời có định hướng đưa vào quy hoạch của Chính phủ các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc lực lượng Công an nhân dân nhằm tăng cường lực lượng hùng hậu các tổ chức có đủ năng lực, uy tín và trách nhiệm tham gia vào công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho đất nước./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. tr.165.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. Tr 171.