Nửa thế kỷ giáo dục quốc phòng học sinh, sinh viên

NỬA THẾ KỶ GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG HỌC SINH, SINH VIÊN
Tin an ninh quốc phòng
          Ngày 28/12/1961 Hội đồng chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 219/CP về việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị và dân quân tự vệ, trong đó quy định: “Trong các trường đại học và các trường chuyên nghiệp trung cấp, việc học tập quân sự phải đặt thành một môn học chính. Sinh viên các trường đại học được huấn luyện theo chương trình đào tạo sĩ quan, học sinh các trường chuyên nghiệp trung cấp được huấn luyện theo chương trình đào tạo hạ sĩ quan”. Theo đó, môn học Huấn luyện quân sự phổ thông qua những chặng đường phát triển thành môn học Giáo dục quốc phòng và Giáo dục quốc phòng – an ninh trong hệ thống giáo dục quốc dân, đến nay vừa tròn nửa thế kỷ.
             I. Những kết quả đạt được
            1. Việc học tập quân sự (Huấn luyện quân sự phổ thông) trước đây – nay là giáo dục quốc phòng – an ninh cho học sinh, sinh viên trong những năm đất nước có chiến tranh, đã góp phần bồi dưỡng kiến thức quân sự, rút ngắn thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh chống Mĩ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc.
               Khi đất nước hoà bình lớp lớp thanh niên, sinh viên tình nguyện đến những nơi khó khăn, gian khổ cùng sát vai với bộ đội và nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị – xã hội của đất nước. Trong hội nhập nền kinh tế thế giới đội ngũ trí thức trẻ đang làm chủ khoa học kỹ thuật luôn ý thức nhiệm vụ xây dựng đất nước phải gắn liền với bảo vệ Tổ quốc.
             Ngoài việc nâng cao dân trí về quốc phòng, GDQP-AN góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng sâu sắc cho học sinh, sinh viên trong phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, xây dựng ý thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc; giáo dục lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, xây dựng ý thức tổ chức kỉ luật, coi trọng nếp sống tập thể, cùng với các hoạt động khác góp phần đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội.
           2. Qua mỗi giai đoạn cách mạng và sự phát triển của giáo dục đào tạo chương trình GDQP-AN cho học sinh, sinh viên đã được đổi mới nhiều lần cả nội dung và hình thức giảng dạy. Năm 1991, chuyển đổi chương trình từ Huấn luyện quân sự phổ thông sang môn học giáo dục quốc phòng đã có sự thay đổi cơ bản nội dung cho phù hợp với giáo dục thời bình, theo hướng tăng cường tri thức về quốc phòng-quân sự, giảm bớt thực hành kỹ năng.
              Đến năm 2007 thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về GDQP-AN, môn học giáo dục quốc phòng được chính thức đổi tên thành môn học GDQP-AN (kiến thức giáo dục an ninh được lồng ghép trong giáo dục quốc phòng). Môn học đã được khẳng định trong nhóm các môn học chung của trình độ đào tạo đại học, chuyên nghiệp và dạy nghề; trong chương trình văn hoá của các trường trung học phổ thông.
            Việc đánh giá kết quả học tập đã được thực hiện theo quy chế chung của các cấp học và quy chế môn học GDQP-AN. Sinh viên ĐH, CĐ kết thúc môn học có đủ điểm theo quy định được cấp chứng chỉ GDQP-AN, là một trong những điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp. Học sinh trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông kết quả học tập được tính điểm trung bình chung như các môn học khác.
           3. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giáo dục quốc phòng trước đây chủ yếu phụ thuộc vào sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan quân sự địa phương, đơn vị quân đội. Khi thay đổi chương trình, đã có sự đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm GDQP-AN sinh viên.
          Danh mục thiết bị môn học GDQP-AN được ban hành và tổ chức thực hiện. Các trường từ THPT đến ĐH,CĐ cơ bản có đủ thiết bị dạy học, sách giáo khoa và giáo trình GDQP-AN đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của giáo viên và học tập của học sinh, sinh viên.
            Có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên GDQP-AN chuyên trách nên đã có 86% trường THPT trong cả nước thực hiện học theo phân phối chương trình, các trường khác xen kẽ giữa học tập trung và phân phối chương trình theo tiết/tuần.
            Các trường TCCN, ĐH,CĐ tự bảo đảm giảng dạy tại trường hoặc liên kết giảng dạy theo phần luồng của Bộ GD&ĐT. Hệ thống trung tâm GDQP-AN sinh viên đã được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 đang phát triển giai đoạn 2 với mục tiêu đáp ứng 70% sinh viên vào học tập, rèn luyện tập trung tại trung tâm. Nhiều khoa giáo dục quốc phòng và trung tâm GDQP-AN sinh viên đã tích cực nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập. Chất lượng giáo dục môn học vì thế  ngày càng được nâng cao, tăng cường tri thức quốc phòng, an ninh cho đội ngũ cán bộ trẻ.
          4. Đội ngũ giáo viên GDQP-AN luôn luôn đóng vai trò quyết định trong đổi mới và nâng cao chất lượng môn học. Từ năm 2001 Bộ GD&ĐT đã tổ chức đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng ngắn hạn và dài hạn tại các trường đại học và liên kết ở địa phương. Theo đó, các trường đã bước đầu tự chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên trong biên chế cơ hữu và thực hiện hợp đồng, thỉnh giảng.
         Để đáp ứng từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên GDQP-AN cả số lượng và chất lượng, đáp ứng quy mô GDQP-AN cho học sinh, sinh viên ngày càng tăng, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo giáo viên chuyên ngành GDQP-AN cho các trường THPT và TCCN, trung cấp nghề. Bộ GD&ĐT đang mở rộng đề án này để phát triển đội ngũ giáo viên GDQP-AN cho các trường ĐH,CĐ và trung tâm GDQP-AN sinh viên.
           Đội ngũ giảng viên sĩ quan do Bộ Quốc phòng biệt phái ra các trường ĐH, đang từng bước được kiện toàn về tổ chức và chất lượng. Sự phối hợp có hiệu quả của Bộ Quốc phòng với Bộ GD&ĐT đã hình thành trong nhiều năm đội ngũ giảng viên sĩ quan biệt phái thực sự làm nòng cốt giảng dạy GDQP-AN và quản lý chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, với chức năng của cơ quan chuyên môn và quản lý trung tâm GDQP-AN sinh viên.
           5. Hệ thống văn bản pháp quy về GDQP-AN cho học sinh, sinh viên đã được hoàn thiện trên các lĩnh vực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ giáo dục cho thế hệ trẻ học sinh, sinh viên.
          Đặc biệt, từ năm 2001 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII ban hành Chỉ thị số 62-CT/TW và năm 2007 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, cho thấy tầm quan trọng, vị trí, yêu cầu GDQP-AN toàn dân, trong đó có nhiệm vụ GDQP-AN cho học sinh, sinh viên.
           Thành quả GDQP-AN cho học sinh, sinh viên trong nửa thế kỷ qua là rất lớn; môn học có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, có ý nghĩa đặc biệt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, GDQP-AN cho học sinh, sinh viên còn có những hạn chế cần được khắc phục nhanh chóng.
          II. Những hạn chế
          Chuyển biến về nhận thức ở một số cán bộ quản lý và một bộ phận học sinh, sinh viên còn chậm so với yêu cầu mục tiêu môn học và nhiệm vụ GDQP-AN trong tình hình mới. Xem nhẹ và tìm cách thanh toán môn học có ở một số trường và một bộ phận học sinh, sinh viên. Những suy nghĩ đơn giản về môn học đã dẫn đến tổ chức thực hiện tùy tiện nhiệm vụ GDQP-AN, tính toán hiệu quả kinh tế, chỉ thấy lợi ích trước mắt chưa thấy lợi ích chung và lâu dài. Vì vậy có trường không coi GDQP-AN là môn học mà cho rằng đó là nhiệm vụ quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng.
           Tạo nguồn, xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên trách, có đủ năng lực thực hiện giảng dạy ở tất cả các cấp học còn chậm và không đồng bộ. Nhiều trường hiện nay thiếu giáo viên trầm trọng, dẫn đến liên kết giảng dạy không đúng đối tượng, trình độ, không kiểm soát được chương trình.
          10 năm quy hoạch và xây dựng hệ thống trung tâm GDQP-AN sinh viên (2001-2010) với chỉ tiêu đưa 70% sinh viên tuyển mới vào học GDQP-AN trong trung tâm nhưng đến nay mới đạt 45% quy mô sinh viên năm thứ nhất; trong đó sinh viên thực tế được học tập, rèn luyện tại trung tâm chỉ chiếm 30% (bằng tỷ lệ được xác định năm 2005).
           Như vậy, tốc độ xây dựng trung tâm quá chậm; tổ chức biên chế giảng viên của trung tâm đến nay vẫn chưa có, việc luân chuyển, bổ sung giảng viên sĩ quan biệt phái và tạo nguồn giảng viên đến nay không đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong đó việc đầu tư kinh phí nhỏ giọt, hạn chế; quy mô sinh viên tăng nhanh, đội ngũ giảng viên thiếu trầm trọng trong nhiều năm nay chưa được tập trung giải quyết.
           III. Cơ hội và giải pháp
           Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ ra phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, là cơ hội thuận lợi nhất đổi mới GDQP-AN cho học sinh, sinh viên, gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, sự nhiệp CNH, HĐH đất nước trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.
           Đảng và Nhà nước đang chủ trương “luật hóa” nhiệm vụ GDQP-AN. Theo kế hoạch đến năm 2014 Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua Luật GDQP-AN. Đây là những điều kiện cơ bản, có tính pháp lý cao đối với môn học và nhiệm vụ GDQP-AN cho học sinh, sinh viên. Để thực hiện đúng, đủ mục tiêu, yêu cầu môn học GDQP-AN, gắn kết chặt chẽ trong chương trình giáo dục đào tạo của các cấp học, trình độ đào tạo các cơ quan quản lý, chỉ đạo, các đơn vị, nhà trường cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
          Một là, phát triển đội ngũ giáo viên GDQP-AN, xây dựng cơ chế chính sách sử dụng đội ngũ giáo viên phù hợp với quyền tự chủ của các trường
          Để thực hiện giải pháp này cán bộ, lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục đào tạo và các đơn vị phối hợp cần tăng cường nhận thức về nhiệm vụ GDQP-AN; quán triệt sâu sắc Chỉ thị Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị; kiện toàn đội ngũ giáo viên GDQP-AN chuẩn về kiến thức, thành thạo kỹ năng và có đủ số lượng với quy mô học sinh, sinh viên ngày càng tăng.
           Tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện tốt Quyết định số  472 /QĐ-TTg ngày 12/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên GDQP-AN cho các trường THPT, TCCN và trung cấp nghề giai đoạn 2010 – 2016”. Mở rộng đề án phát triển đội ngũ giảng viên GDQP-AN cho các trường ĐH,CĐ. Hoàn thiện tổ chức biên chế đội ngũ giảng viên sĩ quan biệt phái, tiếp tục làm nòng cốt giảng dạy tại trung tâm GDQP-AN sinh viên và các trường đại học. Gắn kết chặt chẽ công tác quản lý giảng viên sĩ quan biệt phái giữa các cơ sở giáo dục đại học với học viện, nhà trường quân đội. Tạo hành lang cơ chế, chính sách sử dụng đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQP-AN đã được đào tạo cơ bản.
          Hai là, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho môn học và phát triển trung tâm GDQP-AN sinh viên
          Đầu tư mạnh cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để ứng dụng rộng rãi công nghệ tin học trong giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy GDQP-AN. Có chính sách hợp lý và hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp quốc phòng sản xuất các thiết bị chuyên dụng, tạo cơ chế thích hợp trong tổ chức mua sắm giữa nhà sản xuất và đơn vị sử dụng.
           Tạo nguồn vốn hợp pháp để hoàn thiện giai đoạn 2 phát triển hệ thống trung tâm GDQP-AN sinh viên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Gắn kết chặt chẽ hệ thống trung tâm GDQP-AN do Bộ GD&ĐT quản lý với hệ thống trung tâm do Bộ Quốc phòng quản lý, để đến năm 2015 có 70% sinh viên được phân luồng vào học tập, rèn luyện tại trung tâm. Xây dựng trung tâm GDQP-AN thành môi trường văn hóa – quân sự; từng bước thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học quân sự, đào tạo sĩ quan dự bị, đào tạo giảng viên GDQP-AN.
           Ba là, đổi mới cơ chế quản lý chỉ đạo, điều hành; đổi mới chương trình và phương pháp GDQP-AN
           Tăng cường năng lực và đổi mới công tác quản lý của các cơ quan chủ quản và cơ quan phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ GDQP-AN. Cải cách hành chính mạnh mẽ trong công tác quốc phòng, an ninh, tránh tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý, chỉ đạo; gắn bó mật thiết, chặt chẽ môn học đặc thù (môn học được luật hóa) với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong thời gian tới.
           Sửa đổi chương trình GDQP-AN các cấp học và trình độ đào tạo trên cơ sở bổ sung kiến thức giáo dục đào tạo trong thời kỳ hội nhập và thực tiễn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, sinh viên; kết hợp mở rộng đào tạo trực tuyến, giáo dục trực tuyến với các phương pháp dạy học tích cực khác để góp phần thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực tiên tiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Phân loại: