GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY VÀ TỔ CHỨC LUYỆN TẬP CÁC NỘI DUNG THỰC HÀNH CHO SINH VIÊN TRONG HỌC TẬP MÔN HỌC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY VÀ TỔ CHỨC LUYỆN TẬP CÁC NỘI DUNG THỰC HÀNH CHO SINH VIÊN TRONG HỌC TẬP MÔN HỌC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

Thượng tá Lê Văn Cường

Phó Trường khoa Kỹ thuật - Chiến thuật

 

Thông qua công tác chỉ đạo, điều hành huấn luyện và luyện tập các nội dung thực hành cho sinh viên khi học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế tại các trung tâm. Điều đó được biểu hiện trong kết quả nắm nội dung kiến thức được trang bị và hình thành kỹ năng quân sự cho sinh viên chưa đạt được như kỳ vọng. Từ đó, sinh viên chưa biết vận dụng những kiến thức được trang bị vào quá trình học tập cũng như thực hiện các hoạt động. Căn cứ thực tiễn việc tổ chức huấn luyện và luyện tập các nội dung thực hành tại các trung tâm GDQP&AN, chuyên đề tập trung làm rõ những đặc điểm và yếu tố tác động đồng thời đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và luyện tập các nội dung thực hành cho sinh viên trong học tập môn học GDQP&AN hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện con người mới XHCN tại các trung tâm GDQP&AN hiện nay.

GDQP&AN cho sinh viên là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm giáo dục cho sinh viên lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về quốc phòng và an ninh, những kỹ năng quân sự cần thiết, thông qua đó giúp sinh viên nhận thức đầy đủ hơn quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác GDQP&AN, mà thường xuyên, trực tiếp là cơ quan thường trực HĐQP&ANTW, Vụ GDQP&AN, Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở quan triệt chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của các cơ quan Ban, Bộ ngành Trung ương, các trung tâm GDQP&AN đã tích cực nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, bảo đảm tốt cơ sở vật chất, phương tiện huấn luyện góp phần nâng cao chất lượng công tác GDQP&AN cho sinh viên, đặc biệt là công tác tổ chức huấn luyện, luyện tập phần thực hành ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, quá trình triển khai trong vẫn còn bộc lộ một số những bất cập, hạn chế, thiếu sót mà trong ngắn hạn các trung tâm GDQP&AN vẫn chưa thể khắc phục được đó là: việc kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành động tác mẫu của đội ngũ giảng viên còn chưa thật nhuần nhuyễn; phân tích lý giải làm rõ bản chất các động tác, thao tác kỹ thuật và định hướng vận dụng vào thực tiễn chưa sâu; việc truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu cho sinh viên còn chưa nhiều; trong huấn luyện còn dập khuôn, cứng nhắc chưa phù hợp với đối tượng người học; tổ chức duy trì và điều hành luyện tập chưa khoa học, hợp lý.

 Một trong những nguyên nhân cơ bản trên là do nhận thức của một bộ phận đội ngũ cán bộ, giảng viên còn đơn giản, chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác GDQP&AN; trình độ của đội ngũ giảng viên chưa đều, nhiều giảng viên chưa được huấn luyện cơ bản trong môi trường quân đội do đó việc nắm nội dung, vận dụng phương pháp khi tổ chức huấn luyện, luyện tập chưa linh hoạt. Cùng với đó là bảo đảm cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập chưa đầy đủ và đồng bộ phục vụ cho công tác huấn luyện.

Trước yêu cầu đổi mới công tác dạy học, việc nghiên cứu nâng cao chất lượng môn học GDQP&AN nói chung và các nội dung huấn luyện thực hành nói riêng là một đòi hỏi cấp thiết. Trong khuôn khổ chuyên đề, tác giả làm rõ đặc điểm hoạt động huấn luyện, tổ chức luyện tập các nội dung thực hành, các yếu tố tác động và đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện và luyện tập thực hành môn GDQP&AN cho sinh viên tại các trung tâm GDQP&AN.

Đặc điểm và những yếu tố tác động đến quá trình huấn luyện và tổ chức luyện tập các nội dung thực hành cho sinh viên hiện nay

Đặc điểm hoạt động

Huấn luyện và luyện tập các nội dung thực hành có tính tổng hợp cao, đòi hỏi sinh viên phải vận dụng kiến thức tổng hợp cả kỹ thuật và chiến thuật, tâm lý, sức khoẻ và bản lĩnh, ý chí. Thời gian huấn luyện và luyện tập chiếm tỷ trọng lớn so với chương trình đào tạo 72/165 tiết theo tổng chương trình môn học. Nội dung huấn luyện chủ yếu diễn ra ở ngoài trời bị ảnh hưởng do điều kiện khí hậu, thời tiết; cường độ hoạt động lớn, yêu cầu bài tập cao, động tác gò bó theo khuôn mẫu, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, chính xác trong từng thao tác nhỏ. Quá trình luyện tập để hình thành kỹ năng, kỹ xảo phải lặp đi, lặp lại nhiều lần do đó dễ gây căng thẳng mệt mỏi, nhàm chán cho người học. Vật chất bảo đảm cho môn học nhiều về số lượng và chủng loại, trong phạm vi không gian rộng.

Đánh giá kết quả môn học dưới nhiều hình thức: đánh giá thường xuyên; kiểm tra giữa kỳ; kiểm tra kết thúc học phần môn học bằng các hình thức thực hành. Từ đó tạo ra các áp lực tâm lý, đòi hỏi sinh viên phải có quyết tâm cao, bản lĩnh vững vàng, tích cực rèn luyện nâng cao kỹ năng, làm chủ động tác, kỹ thuật mới có thể hoàn thành yêu cầu, nhiệm vụ môn học.

Những yếu tố tác động đến chất lượng huấn luyện và luyện tập các nội dung thực hành cho sinh viên

Nguyên lý và quan điểm giáo dục: Trong huấn luyện quân sự, nguyên lý được xác định: "Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn". Đây là vấn đề có ý nghĩa chủ đạo xuyên suốt, bao trùm, là cơ sở phương pháp luận để phát triển kỹ năng cho người học, có giá trị hiện thực trong việc định hướng lý luận và chỉ đạo thực tiễn đào tạo. Đồng thời cũng là điều kiện vô cùng quan trọng, cần thiết, vấn đề có tính quy luật của quá trình giáo dục đào tạo, đặc biệt trong huấn luyện quân sự.

 Trong quá trình huấn luyện thực hành đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải phân tích, lý giải làm rõ bản chất các nội dung lý thuyết, nguyên tắc, có dẫn chứng chứng minh bằng kinh nghiệm chiến đấu đã được tổng kết để định hướng vận dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, nội dung này các trung tâm hiện vẫn còn chưa thực sự coi trọng, một số ít còn có nhận thức huấn luyện cho xong chương trình, việc định hướng trong hành động cụ thể ngay cả trong hoạt động khi học tập tại trung tâm cũng chưa được vận dụng triệt để, từ đó sinh viên còn hời hợt, chưa tập trung trong học tập.

Mục tiêu và chương trình đào tạo: Mục tiêu đào tạo thể hiện là những thay đổi của sinh viên trong lĩnh vực nhận thức (kiến thức mà sinh viên thu nhập được trong quá trình đào tạo) kỹ năng (khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được vào thực tiễn) và thái độ (những thái độ, tình cảm được hình thành và phát triển ở sinh viên) sau một khoá học. Đối với sinh viên, mục tiêu của môn học GDQP&AN được qui định tại khoản 2 Điều 12 Chương II Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Trong Luật đã xác định rõ mục tiêu trang bị cho sinh viên “kỹ năng quân sự”. Đó chính là khả năng thực hành những kiến thức cơ bản cần thiết về kỹ thuật, chiến thuật đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình đào tạo là một bảng thiết kế tổng thể cho một hoạt động đào tạo, trong đó xác định những nội dung cần đào tạo, phương pháp đào tạo, các điều kiện và phương tiện hỗ trợ đào tạo; phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập cũng như việc phân phối thời gian cho từng học phần môn học. Chương trình đào tạo cho sinh viên được quy định theo Thông tư 05/TT-BGD&ĐT gồm 04 học phần môn học, phần kiến thức quân sự mang tính tổng hợp, vừa truyền thụ, trang bị những kiến thức mới song đồng thời phải liên kết lại kiến thức đã được học thành hệ thống. Như vậy, môn học đặt ra yêu cầu rất cao, trong thời gian ngắn, kiến thức rộng và nhiều nội dung. Đây chính là mâu thuẫn đòi hỏi mỗi trung tâm cần có những giải pháp đồng bộ có như vậy công tác GDQP&AN cho sinh viên mới đạt được hiệu quả.

Đối tượng đào tạo: Sinh viên là đối tượng trực tiếp tiếp thu kiến thức năng lực thực hành do giảng viên huấn luyện. Sinh viên chủ yếu là các em học sinh vừa tốt nghiệp THPT, tuổi đời còn trẻ, sức khỏe tốt, ham hiểu biết, khả năng tiếp thu nhanh. Tuy nhiên, các em sinh viên còn thiếu kinh nghiệm thực tế nhất là thực tiễn hoạt động quân sự, kỹ năng, khả năng thích ứng với môi trường mới còn hạn chế. Đặc biệt học GDQP&AN sinh viên phải học tập, rèn luyện tập trung trong môi trường quân đội, bỏ qua các thói quen, xa rời các tiện nghi sinh hoạt tại gia đình (kể cả ĐTDĐ), phải hoạt động theo khuôn khổ, kỷ luật, kỷ cương từ đó đã tạo ra sự ức chế về tâm lý gây khó khăn trong tiếp thu nội dung học tập.

Đội ngũ giảng viên: Là người trực tiếp truyền thụ kiến thức và hướng dẫn thực hành cho sinh viên để sinh viên tiếp thu và rèn luyện, biến kiến thức, năng lực của thầy thành của mình. Giảng viên làm công tác GDQP&AN hiện nay gồm đội ngũ sĩ quan biệt phái, giảng viên đào tạo chuyên ngành GDQP&AN, phần lớn đã có trình độ sau đại học, đội ngũ giảng viên đều được đào tạo cơ bản về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ quân sự có phẩm chấp và năng lực sư phạm đáp ứng với yêu cầu giảng dạy ở bậc đại học. Tuy nhiên, một lực lượng cơ bản đội ngũ giảng viên được đào tạo theo Đề án 607, đội ngũ này chưa được rèn luyện trong môi trường quân đội, các kiến thức quân sự còn rời rạc, chưa có nhiều thời gian rèn luyện cả về tâm lý, sức khỏe, kỹ năng thực hành do đó khi thực hành giảng dạy các nội dung thực hành cũng còn nhiều hạn chế.

Điều kiện huấn luyện: Thao trường, bãi tập là môi trường để giảng viên và sinh viên tổ chức các hoạt động dạy học. Điều kiện huấn luyện thuận lợi giúp giảng viên vận dụng các phương pháp huấn luyện thực hành một cách có hiệu quả, đồng thời giúp sinh viên tiếp thu kiến thức và rèn luyện năng lực thực hành tốt hơn góp phần thực hiện được mục đích yêu cầu của bài học. Trên thực tế, điều kiện thao trường, bãi tập của các trung tâm cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu môn học, không gian hạn chế, địa hình chưa sát với yêu cầu huấn luyện, hệ thống thao trường nhiều trung tâm còn chưa được quan tâm và đầu tư xây dựng chưa cơ bản, trong khi đối tượng người học đông, đa dạng đã chi phối rất nhiều tới chất lượng huấn luyện và luyện tập.

Tổ chức và phương pháp huấn luyện: Trong huấn luyện quân sự, việc tổ chức lớp học và tuân thủ phương pháp là nội dung quyết định tới hiệu quả bài học. Tổ chức lớp học phù hợp sẽ giúp sinh viên quan sát, học theo nắm nội dung nhanh hơn, có điều kiện luyện tập được nhiều hơn từ đó sớm biến kiến thức của thầy thành kiến thức của mình. Thực tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học hằng năm đều tăng số lượng tuyển sinh, trong khi quy hoạch các trung tâm cơ bản ổn định, các cơ sở giáo dục hướng tới hoàn toàn việc tự chủ tài chính, do đó điều kiện nguồn nhân lực, cơ sở vật chất không theo kịp với xu thế phát triển, tổ chức lớp học còn đông so với quy định khi huấn luyện thực hành, triển khai luyện tập khó khăn, số lượng sinh viên được luyện tập ít, vì vậy chất lượng huấn luyện thực hành còn hạn chế.

Cùng với việc tổ chức lớp học khoa học thì phương pháp huấn luyện, tổ chức luyện tập tốt cũng sẽ giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Phương pháp huấn luyện khoa học cũng sẽ giúp lôi cuốn người học, không bị nhàm chán, tích cực chủ động hơn trong luyện tập. Tuy nhiên, phương pháp huấn luyện của không ít giảng viên còn chưa phù hợp, kỹ năng sư phạm hạn chế, còn cứng nhắc, dập khuôn; chưa tận dụng hết các điều kiện thao trường để tổ chức luyện tập; phương pháp luyện tập chưa phù hợp, chưa thực hiện đúng nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, nóng vội, đốt cháy giai đoạn.

Kiểm tra, đánh giá hoạt động huấn luyện thực hành: Kết quả học tập môn học thể hiện ở hệ thống kiến thức tổng hợp của môn học cả về lý thuyết và thực hành. Kết quả học tập môn học GDQPAN còn thể hiện sự tích luỹ về lượng tạo ra sự chuyển biến về trình độ năng lực quân sự và thái độ của sinh viên trong quá trình học tập GDQP&AN, ý thức trách nhiệm với nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Công tác đánh giá kết quả dưới nhiều hình thức, vấn đáp, thực hành động tác, thành tích thực tế đã buộc người học phải tổng hợp nhiều kỹ năng tạo áp lực tâm lý.

 Trên cơ sở những đặc điểm và yếu tố chi phối trong huấn luyện và luyện tập nội dung thực hành môn học GDQP&AN, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện và tổ chức luyện tập nội dung thực hành cho sinh viên tại các Trung tâm GDQP&AN.

Một là: Tiếp tục đổi mới nội dung huấn luyện thực hành gắn với phát huy tính tự giác, tích cực, sáng tạo của sinh viên trong luyện tập.

Đây là yêu cầu cơ bản, cốt lõi, nhằm nâng cao kết quả huấn luyện thực hành góp phần nâng cao chất lượng môn học. Xuất phát từ đặc điểm nội dung thực hành quân sự có tính tổng hợp cao, với mục tiêu giúp sinh viên nhận thức được ý nghĩa, tác dụng của từng kỹ năng, hành vi được hình thành, nắm được các kỹ năng thực hành để có biết vận dụng các kỹ năng, hành vi ấy vào thực tiễn. Nội dung huấn luyện phải cho sinh viên thử nghiệm thái độ vừa lĩnh hội được qua thực hành vận dụng các kỹ năng vào các tình huống cụ thể. Thông qua hoạt động, trao đổi, thảo luận tập thể mà kiểm nghiệm tính khách quan, đúng đắn kiến thức được trang bị.

Vì vậy, đổi mới nội dung huấn luyện vừa là yêu cầu, vừa là nội dung, vừa là biện pháp, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng môn học. Đổi mới nội dung là cơ sở để đổi mới phương pháp, đổi mới phương pháp để sinh viên tiếp thu nội dung tốt hơn. Đổi mới phải hướng vào sinh viên, lấy sinh viên làm trung tâm và phát huy được tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên. Đổi mới không phải loại bỏ toàn bộ nội dung quy định để thiết lập nội dung mới mà là sự lựa chọn có kế thừa các nội dung đã huấn luyện. Đây chính là sự nghiên cứu lựa chọn, điều chỉnh, sắp xếp các nội dung môn học cho phù hợp với đối tượng, mục tiêu, yêu cầu, quy trình đào tạo, thời gian môn học, quy luật kiến thứ giúp sinh viên tiếp thu kiến thức có trình tự học nội dung trước để vận dụng vào học nội dung sau. Thông qua thực tế giảng dạy, nhiều nội dung sinh viên đã được trang bị từ cấp THPT, tuy nhiên có nội dung cần thiết phục vụ cho các bài học trong chương trình sinh viên lại chưa được học từ đó gây khó khăn cho tổ chức tiếp cận kiến thức và tổ chức luyện tập. Vì vậy, cũng cần có hướng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo, mặt khác trong từng bài học giảng viên cũng cần nghiên cứu lựa chọn nội dung không dàn trải, chạy theo khối lượng kiến thức mà không chú ý đến rèn luyện kỹ năng cho người học.

Hai là: Tuân thủ nghiêm túc các qui định trong tổ chức, phương pháp huấn luyện và luyện tập.

Huấn luyện thực hành đòi hỏi người học vừa có điều kiện quan sát, vừa có điều kiện luyện tập biến kiến thức của thầy thành kỹ năng trong thực tiễn. Trong đó kỹ năng của sinh viên không tự có ngay mà phải được luyện tập nhiều lần, để đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi khi tổ chức huấn luyện thực hành phải thực hiện đúng quy định (đội hình đại đội chia 2) với lưu lượng 1 lớp học tối đa 60 sinh viên. Với quân số trên sẽ bảo đảm sinh viên lĩnh hội được kiến thức được tốt nhất, luyện tập xoay vòng được được nhiều nhất. Tổ chức như vậy sẽ củng cố được kiến thức về các nội dung có liên quan cho sinh viên, đồng thời làm cho sinh viên không bị nhàm chán trong quá trình luyện tập, sẽ đạt hiệu quả học tập cao hơn.

Bố trí thời gian huấn luyện nội dung thực hành mỗi buổi học phải phù hợp với nội dung, không bố trí quá dài có như vậy mới giúp sinh viên không bị căng thẳng mỏi mệt, giúp điều hoà về trí lực, thể lực; cũng không nên bố trí ngắn quá vì thời gian để cơ động chuyển nội dung, tổ chức triển khai vật chất, đổi địa điểm, thao trường mất nhiều sẽ ảnh hưởng tới thời gian học. Vì vậy bố trí thời gian hợp lý sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng huấn luyện và luyện tập.

Phương pháp huấn luyện: Do nội dung huấn luyện thực hành đa dạng, cả kỹ thuật, chiến thuật, điều lệnh, thể lực, từng nội dung có những đặc thù khác nhau, vì vậy, giảng viên phải biết căn cứ ý định huấn luyện, đối tượng, mục đích, yêu cầu, nội dung huấn luyện, điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất thao trường bãi tập  để nghiên cứu vận dụng các phương pháp huấn luyện cơ bản cho phù hợp nhằm đạt được hiệu quả huấn luyện cao nhất. Khi sử dụng các phương pháp huấn luyện thực hành, giảng viên phải mô phỏng được nhiều mặt, nhiều khía cạnh, mức độ của hoạt động sát với thực tiễn thông qua việc lựa chọn sắp xếp, thiết kế các bài học, các tình huống thực hành để truyền thụ cho sinh viên lĩnh hội các tri thức, kỹ năng thực hành một cách nhanh nhất. Trong đó cần trú trọng vận dụng phương pháp trực quan kết hợp với PPDH tích cực, lấy phương pháp dạy học trực quan là phương pháp cơ bản, chủ đạo giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Vận dụng phương pháp này sẽ kích thích tính tự giác, tích cực, sáng tạo trong nhận thức và hành vi của sinh viên, khắc phục và loại trừ được cách thức huấn luyện nặng nề về truyền thụ lý thuyết trong quá trình huấn luyện các nội dung thực hành. Đồng thời phải khơi dậy tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập thông qua giáo dục ý thức trách nhiệm xây dựng động cơ học tập cho sinh viên.

Để tăng cường tính thực tiễn trong các phương pháp huấn luyện thực hành, trong quá trình huấn luyện phải tạo điều kiện tối đa cho sinh viên được thực hành luyện tập để hình thành kỹ năng, đồng thời phải tạo ra được sự gắn bó giữa huấn luyện với thực tiễn vận dụng trong sinh hoạt khi học tập tại trung tâm cũng như biết vận dụng ở các môi trường và thực tế chiến trường. Đồng thời xây dựng ý thức trách nhiệm và lòng tin tạo cho sinh viên sự vững vàng, tự tin, không bị bỡ ngỡ khi đối mặt với tình huống thực tiễn.

Kết hợp vận dụng linh hoạt phương pháp huấn luyện thực hành với việc ứng dụng công nghệ, sử dụng các công nghệ mô phỏng, để chứng minh tính trung thực của nội dung giảng dạy, xây dựng lòng tin cho người học.

Ba là: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến cho thấy, mọi cuộc cải cách nâng cao chất lượng giáo dục đều khởi nguồn và giành thắng lợi từ đội ngũ giáo viên. Xuyên suốt công cuộc đổi mới giáo dục, Đảng ta luôn khẳng định đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng GD-ĐT.

 Với tư cách người trực tiếp giảng dạy và quản lý công tác GDQP&AN cho sinh viên, giảng viên vừa là người thiết kế nội dung, vừa là người tổ chức, định hướng, hướng dẫn trong toàn bộ quá trình học tập, rèn luyện, vừa là người kiểm tra đánh giá kết quả toàn diện của sinh viên. Chất lượng huấn luyện thực hành phụ thuộc phần lớn vào tài nghệ sư phạm của người giảng viên, đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức sâu rộng và vận dụng các phương pháp huấn luyện thực hành cơ bản một cách thành thục, linh hoạt, sáng tạo mới làm cho sinh viên nắm chắc, hiểu sâu và vận dụng tốt các bài học thực hành vào thực tiễn. Bên cạnh đó GDQP&AN là môn học có tính đặc thù cả về nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp tiến hành, ... đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của các Trung tâm và còn phản ánh xu thế tất yếu của sự nghiệp giáo dục. Để đội ngũ giảng viên QP&AN ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu các trung tâm cần quán triệt và thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Tiếp tục giáo dục quán triệt sâu sắc nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cho giảng viên nhận thức đúng đắn và hiểu rõ ý nghĩa tầm quan trọng của môn học, thấy được vinh dự và trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước. Góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền QPTD, thế trận CTND thực hiện thắng lợi chiến lược BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới theo quan điểm của Đảng.

Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn thông qua các đợt tập huấn của Vụ GDQP&AN, các trung tâm, các đơn vị quản lý SQBP để tiếp thu những kiến thức mới, tổ chức phương pháp huấn luyện thực hành, làm cơ sở cho đội ngũ giảng viên nghiên cứu vận dụng trong quá trình huấn luyện thực hành đạt hiệu quả cao. Lựa chọn các chuyên đề tập huấn phải căn cứ vào tình hình thực tế và trình độ năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên còn yếu, còn thiếu, những nội dung còn chưa thống nhất, hiệu quả trên thực tế còn thấp để bổ sung cho hoàn thiện, bảo đảm tính cơ bản, thiết thực đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Tổ chức nghiêm túc kế hoạch hoạt động phương pháp của trung tâm, khoa, tổ bộ môn để bồi dưỡng về trình độ năng lực huấn luyện thực hành cho đội ngũ giảng viên một cách thường xuyên. Hằng tháng, khoa, tổ bộ môn phải có kế hoạch hoạt động phương pháp cụ thể để trực tiếp bồi dưỡng về tổ chức và phương pháp huấn luyện thực hành cho giảng viên như soạn thảo bài giảng, kế hoạch giảng bài; tổ chức thông qua bài, xây dựng bài giảng mẫu; hướng dẫn giảng viên nghiên cứu viết chuyên đề, đề tài khoa học về tổ chức và phương pháp huấn luyện thực hành của bộ môn..., nhằm không ngừng nâng cao trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho giảng viên, tạo điều kiện cho giảng viên phát huy những mặt mạnh của mình và kịp thời khắc phục những thiếu sót, nhược điểm về vận dụng phương pháp trong quá trình huấn luyện.

Thường xuyên có công tác kiểm tra, kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy. Ở từng khóa học tổ chức lấy ý kiến phản hồi của sinh viên, kịp thời điều chỉnh những thiếu sót, chưa phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, năng lực tổ chức và thực hiện nhiệm vụ GDQP&AN. Thực hiện tốt phương châm “mỗi giảng viên thực sự là tấm gương sáng trong nhận thức và hành động để sinh viên noi theo” qua đó tạo được sự thuyết phục, niềm tin cho người học.

Bốn là: Tăng cường tổ chức luyện tập trên thực địa cho sinh viên

Tăng cường tổ chức luyện tập để sinh viên có thể áp dụng kiến thức vào tình huống thực tế giúp cải thiện kỹ năng ứng phó và ra quyết định. Luyện tập là quá trình lặp đi lặp lại nhiều lần cho các động tác, thao tác, hành động nhất định một cách có ý thức nhằm hình thành, hoàn thiện, củng cố các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết và bồi dưỡng năng lực hành động độc lập, rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại cho sinh viên. Giảng viên phải tổ chức cho sinh viên luyện tập theo trình tự các bước tập từ thấp đến cao, từ phân đoạn đến tổng hợp, từ đơn giản đến phức tạp, từ chậm đến nhanh để nâng dần năng lực thực hành cho sinh viên. Để tổ chức luyện tập có hiệu quả việc tổ chức lớp học phải bảo đảm đúng quy định, kể cả số lượng sinh viên và vũ khí trang bị. Quá trình duy trì luyện tập, giảng viên phải tạo sự hứng thú cho sinh viên đối với nội dung luyện tập, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả luyện tập của sinh viên trong từng buổi học để phân loại đối tượng, kịp thời sửa tập, khắc phục những sai sót bảo đảm cho sinh viên nắm được kỹ thuật động tác trên cơ sở đó giúp sinh viên có thái độ tự giác và trách nhiệm khi luyện tập.

Năm là: Đổi mới kiểm tra đánh giá hoạt động huấn luyện thực hành

Thi, kiểm tra đánh giá kết quả là một khâu rất quan trọng của quá trình dạy học. Vì vậy nội dung phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả sẽ có tác động to lớn, trực tiếp đến tất cả các khâu, các bước, các thành tố của quá trình dạy học. Kết quả thi, kiểm tra là sản phẩm của quá trình dạy - học mà trước hết là kết quả trực tiếp của quá trình tổ chức huấn luyện và luyện tập.

Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học là điều kiện quan trọng để tiến hành đổi mới nội dung phương pháp ôn, thi, kiểm tra đánh giá kết quả và ngược lại đổi nới nội dung, phương pháp ôn, thi, kiểm tra và đánh giá kết quả là động lực để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học nhằm nâng cao hiệu quả dạy học. Nội dung, phương pháp ôn, thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của sinh viên không chỉ đơn thuần là yêu cầu sinh viên tái hiện đầy đủ kiến thức đã học có trong tài liệu, giáo trình, mà còn kiểm tra để đánh giá khả năng vận dụng linh hoạt các kiến thức đó vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; kỹ năng về sử dụng vũ khí trang bị, thuần thục về các động tác bắn, ném lựu đạn và khả năng diễn đạt, trình bày những nội dung để đáp ứng với yêu cầu huấn luyện và chiến đấu sau này.

Phương pháp thi, kiểm tra các nội dung quân sự tập trung lựa chọn phương pháp thi thực hành để đánh giá các kỹ năng, kỹ xảo đạt được của sinh viên trong huấn luyện. Để tiến hành thi, kiểm tra giảng viên phải xác định rõ ý định kiểm tra gồm: mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, thời gian, địa điểm, vật chất bảo đảm, người phục vụ..., báo cáo cấp trên phê chuẩn. Mặt khác, giảng viên phải xác định rõ tiêu chuẩn đánh giá kết quả thi, kiểm tra một cách cụ thể, tỉ mỉ để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan, chính xác, khi đánh giá kết quả thực hành kỹ thuật của sinh viên.

Như vậy, nội dung phương pháp tổ chức thi, kiểm tra đánh giá kết quả rất toàn diện bao gồm cả yêu cầu về tri thức, kỹ năng thực hành. Nội dung thi, kiểm tra phải bao quát được toàn bộ khối lượng kiến thức đã học, đánh giá kết quả bảo đảm khách quan, trung thực, công khai và minh bạch. Thông qua đó giúp người dạy phải thay đổi nội dung phương pháp dạy cho phù hợp và sinh viên cũng phải thay đổi cách học để phát huy khả năng độc lập, tư duy, sáng tạo, không còn hiện tượng "học tủ", "học vẹt". Việc đổi mới thi, kiểm tra đánh giá kết quả không chỉ tác động tích cực cho việc đổi mới phương pháp dạy học mà còn khiến sinh viên phải đổi mới cả cách học nhằm phát huy tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo trong quá trình học tập.

Sáu là: Thực hiện tốt công tác đảm bảo điều kiện huấn luyện

Cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, phương tiện dạy học, thao trường bãi tập tác động trực tiếp tới quá trình huấn luyện và phản ánh mối quan hệ hữu cơ giữa phương pháp và phương tiện để đạt hiệu quả cao trong huấn luyện. Thao trường bãi tập được quy hoạch xây dựng chính quy, hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên trình bày bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn, rút ngắn được thời gian huấn luyện, nâng cao hiệu quả truyền thụ tri thức cho sinh viên, đồng thời sinh viên có điều kiện thuận lợi để luyện tập, rèn luyện thành thạo các kỹ năng thực hành đáp ứng với yêu cầu, phát huy được tư duy sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập, giúp cho họ có thể vận dụng vào hoạt động thực tiễn có hiệu quả.

Phương tiện, vật chất huấn luyện được chuẩn bị đầy đủ, sát với thực tế sẽ có tác dụng thiết thực nâng cao hiệu quả của quá trình huấn luyện thực hành. Đó chính là phương tiện để giảng viên truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo cho sinh viên, đồng thời là nguồn kiến thức, là phương tiện giúp cho sinh viên tiến hành có hiệu quả việc lĩnh hội các kiến thức, năng lực thực hành, hình thành các kỹ năng thực hành trong quá trình học tập.

Để truyền thụ và lĩnh hội một nội dung thực hành nào đó, đòi hỏi phải vận dụng các phương pháp huấn luyện thực hành cơ bản sao cho phù hợp với đặc điểm tính chất nội dung và điều kiện huấn luyện thực hành. Vì vậy phải luôn quan tâm chú ý tới việc nâng cao chất lượng đảm bảo thao trường bãi tập, phương tiện vật chất phù hợp với ý định sử dụng các phương pháp huấn luyện thực hành cơ bản nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện các bài học thực hành.

Các trung tâm cần nghiên cứu quy hoạch hệ thống thao trường bãi tập để huấn luyện thực hành các môn kỹ thuật, chiến thuật bảo đảm tính chính quy hiện đại, đồng thời có kế hoạch bảo đảm phương tiện, cơ sở vật chất huấn luyện đầy đủ, có chất lượng tốt, sát với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên truyền thụ cho sinh viên, đồng thời giúp cho sinh viên lĩnh hội kiến thức và rèn luyện các kỹ năng thực hành. Trong điều kiện không gian, vị trí địa lý, tổng thể quy hoạch ở tùng trung tâm cần bố trí và xây dựng thao trường huấn luyện phải bảo đảm cơ bản, có đầy đủ mô hình, thiết bị bố trí, phải ưu tiên không gian để triển khai huấn luyện, luyện tập. Trường hợp không có điều kiện sát với thực tiễn phải có các giải pháp kỹ thuật như thu nhỏ mô hình, rút ngắn cự ly, trang bị triển khai luyện tập linh hoạt để tận dụng mọi điều kiện cho sinh viên luyện tập. Tập trung nghiên cứu các mô hình, sáng kiến có tính ứng dụng cao, trường hợp có điều kiện tập trung xây dựng thiết bị mô phỏng đưa người học vào sát thực tế chiến trường.

Trong thời gian qua, công tác GDQP&AN cho sinh viên đã được các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, các cơ sở giáo dục quan tâm và coi trọng. Hiệu quả công tác này đã được thể hiện thông qua sự chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và hành động của sinh viên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những hạn chế, nhất là các kỹ năng quân sự trong thực tiễn của sinh viên chưa đáp ứng mục tiêu đào tạo. Vì vậy, chuyên đề tập trung phân tích, đánh giá những đặc điểm, yếu tố tác động từ đó đề xuất đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm góp phần nâng cao chất lượng môn học GDQP&AN nói chung và chất lượng huấn luyện và tổ chức luyện tập nội dung thực hành cho sinh viên nói riêng, đó là: tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp huấn luyện; đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá kết; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; đổi mới, tăng cường hiệu quả việc tổ chức luyện tập thực hành trên thực địa và thực hiện tốt công tác đảm bảo. Đây là những biện pháp căn cốt, quán triệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ trực tiếp nâng cao chất lượng huấn luyện và luyện tập các nội dung thực hành môn học GDQP&AN cho sinh viên tại các trung tâm GDQP&AN trong thời gian tới./.

 

Phân loại: